Năm 2014, hoạt động mua bán, sáp nhập dự án bất động sản đã góp phần làm tan bớt "cục máu đông" của thị trường với nhiều thương vụ hợp tác thành công.
Trong năm tới, hoạt động M&A bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh với sự tham gia của những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Thời buổi khó khăn cũng là lúc những người có tiềm lực tài chính săn tìm cơ hội. Thị trường bất động sản Việt Nam trở thành bãi đáp nhiều tiềm năng với những ông lớn bất động sản nước ngoài khi mà hàng loạt dự án đắp chiếu lâu năm do tài chính yếu kém đang muốn chuyển nhượng, hợp tác. Hoạt động M&A diễn ra sôi động hơn trong năm 2014, đặc biệt nửa cuối năm khi thị trường bắt đầu có những tín hiệu tích cực.
Mặc dù các ông lớn ngoại mới là những đối tác tiềm năng của các thương vụ M&A, nhưng trong năm qua các công ty trong nước vẫn là đối tượng chiếm lĩnh thị trường đi mua dự án với 63% thị phần, và cũng có tới hơn một nửa thị phần của bên bán là công ty trong nước (theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam).
Thế lực thâu tóm dự án bất động sản nổi bật nhất hiện nay là những tập đoàn lớn từ Thái Lan, Hàn Quốc, còn Singgapore cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động này. Tại Việt Nam, những "ông lớn" bất động sản cũng không hề kém cạnh khi tỏ rõ thế lực của mình qua các vụ thâu tóm thành công, nổi bật nhất là Vingroup.
Nếu trong năm 2013, Vingroup có hai giao dịch nhưng ở phía người bán thì trong năm nay, công ty này liên tục công bố những thương vụ mua lại cổ phần của các doanh nghiệp lớn về bất động sản trong nước. Thương vụ lớn nhất phải kể đến là vụ mua 99% cổ phần của chủ đầu tư CTCP BĐS Hồng Ngân. Bằng cách này Vingroup đã thâu tóm xong dự án Thành Phố Xanh hơn 17ha tại Mỹ Đình. Ngoài ra Vingroup còn mua lại cổ phần Ocean Retail và trở thành ông chủ của chuỗi bán lẻ Oceanmark và đổi tên thành Vinmark.
Một số đại gia bất động sản khác cũng có những vụ thâu tóm đình đám như Him Lam giao dịch thành công dự án Đông Nam (Tp.HCM) trị giá 1.050 tỷ của Hoàng Anh Gia Lai; Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa mua lại dự án Skypark Residence (Cầu Giấy, HN) của Licogi 16 với giá 285 tỷ; Hải Phát cũng đang thâu tóm khu đất mặt đường Nguyễn Xiển có tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng. Đây là dự án tháp đôi 27 tầng, quy mô 450 căn hộ trên khu đất 5000m2.
Tại Hà Nội, cuộc chạy đua thâu tóm các dự án giữa các ông lớn cũng đang diễn ra rầm rộGần đây nhất là thông tin Tân Hoàng Minh đang quan tâm mua một dự án lớn trên đường Đại Cồ Việt; Tập đoàn BRG rót vốn vào khách sạn Thắng Lợi…
Một đại gia "chịu chơi" khác là FLC Group cũng thâu tóm một loạt dự án. Cụ thể, cuối năm 2013, FLC mua lại dự án Alaska Garden City (Đại Mỗ, Từ Liêm, HN) với giá 300 tỷ đồng, đến giữa năm 2014 FLC lại bất ngờ công bố vụ thâu tóm dự án 36 Phạm Hùng (5000m2) của Hải Phát với giá 198 tỷ để đồng. Dự án này sẽ được FLC đầu tư phát triển một tổ hợp chung cư cao cấp 38 tầng có quy mô khoảng 500 căn hộ...Gần đây nhất, FLC lại thâu tóm được dự án The Lanvender (Hà Đông) có quy mô thiết kế 41 tầng nổi, 4 tầng hầm.
Tại thị trường Tp.HCM, những thương vụ thâu tóm của Novaland cũng khiến thị trường được một phen khuấy động. Đình đám nhất là thương vụ mua lại 3 dự án gồm Lexington Residence (quận 2), Icon 56 (quận 4) và Galaxy 9 (quận 4). Tổng mức đầu tư của 3 dự án này vào khoảng 3700 tỷ sẽ được Novaland phát triển phân khúc căn hộ từ 1,3 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi căn.
Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam- ông Sử Ngọc Khương nhận định: “Trong năm tới, sẽ còn nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phân khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các tài sản đang hoạt động với tỷ suất sinh lợi ổn định và rủi ro thấp.”
Các tập đoàn lớn từ Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A bất động sản. Ngoài ra còn có những thương vụ của các công ty từ Singapore và Đài Loan ở phân khúc nhà ở và văn phòng. Như vậy trong năm 2015, hoạt động M&A sẽ còn sôi động hơn nữa, ông Khương cho biết thêm.