Tuy nhiên, cải tạo những khu đất ấy không đơn giản nhất là khi phải “làm mới” nền đất. Mới đây, công nghệ xử lý nền đất yếu không gây ô nhiễm môi trường được chuyển giao lần đầu tiên vào Việt Nam với kỳ vọng sẽ giúp các đơn vị thi công dễ dàng “thuần hóa” những nền đất yếu.

Ông Vũ Quang Bảo, Tổng Giám Đốc Tập đoàn Bitexco, Chủ tịch Công ty BCX - đơn vị nhận chuyển nhượng công nghệ xử lý nền đất yếu từ Phần Lan cho hay, ưu điểm nổi trội của công nghệ gia cố nông, xử lý nền đất yếu theo phương pháp ổn định toàn khối sẽ giúp cải tạo, biến đổi nền đất bùn, đất yếu thành nền đất có cường độ cao, khắc phục được hiện tượng sụt lún, chịu được tải trọng của các dạng công trình khác nhau.

Bitexco quyết định áp dụng công nghệ này ngay tại dự án khu đô thị The Manor Central Park của Tập đoàn rộng gần 100 ha trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ xử lý nền đất yếu của Phần Lan. Trong bất kỳ công trình nào của Bitexco, kiến trúc xanh và chống biến đổi khí hậu luôn được ưu tiên hàng đầu – ông Bảo khẳng định.

Thuận tiện thi công, thân thiện môi trường, phát triển bền vững… phù hợp áp dụng rộng rãi ở Việt Nam là những ưu điểm nổi bật của công nghệ xử lý nền đất yếu toàn khối nông từ Phần Lan được các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng ghi nhận khi tham gia thực nghiệm thực tế tại hiện trường.

Theo các chuyên gia, công nghệ này còn giúp tận dụng đất bùn phế thải, là loại đất chỉ có thể đổ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường thành một loại đất mới có thể sử dụng được làm nền và móng cho công trình xây dựng.

Ngoài ra, với các loại đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hoặc bị ô nhiễm, sử dụng công nghệ này cũng góp phần giúp cải tạo và khai thác những loại đất đó hiệu quả

PGS TS. Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng phân tích, đất sau khi trộn với chất kết dính, dưới tác dụng của các phản ứng hóa học thì hỗ hợp này sẽ cứng chắc dần và cường độ đất gia cố sẽ phát triển theo thời gian để cuối cùng trở thành một loại bê tông mác thấp; có thể gia tải để tăng hiệu quả làm chặt đất gia cố.

Việt Nam nên lựa chọn và áp dụng công nghệ trên vì nhu cầu đang rất lớn để áp dụng cho công trình đường bộ ở nông thôn qua vùng sình lầy, khu nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, đê biển hoặc kè phòng giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu, kè chống sát lở bờ sông, nhà thấp tầng trên vùng đất yếu, quây giữ chống ô nhiễm các bãi thải rác, khu nghĩa trang…

Còn theo theo TS. Phạm Quyết Thắng, Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, công nghệ gia cố nền này có nhiều nét tương đồng với công nghệ gia cố sâu trụ đất - xi măng theo phương pháp trộn khô.

TS. Thắng cho hay, công nghệ này đã được áp dụng tại nhiều nước khi gia cố nền đường, nền công trình có tải trọng không lớn, độ lún cho phép cao, nơi sinh lầy… và rất khả thi để áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi thì cơ quan chức năng Nam cần sớm ban hành các tiêu chuẩn để đưa công nghệ này vào xây dựng.

Ông Pentti Viitikko, Chủ tịch của Công ty Rusol (Phần Lan) - đơn vị chuyển giao công nghệ này khẳng định, ưu điểm nổi bật của công nghệ này là tận dụng các nguồn vật liệu xây dựng từ các ngành công nghiệp khác như tro bay, sỉ than… làm chất kết dính.

Việc không phải thải bỏ đất gây ô nhiễm môi trường, đồng thời sẽ làm giảm chi phí cho dự án khi giảm phí vận chuyển… Công nghệ này đã được áp dụng tại nhiều nước như Phần Lan, Mỹ, Malaixia... nhất là các công trình cầu cảng, khu vực có nền đất yếu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, xu hướng phát triển vật liệu xây dựng hiện nay chú trọng các công nghệ thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Công nghệ này rất thích hợp với những vùng đất ô nhiễm như dự án chung cư The Manor Central Park, thay vì chuyển đất bị ô nhiễm gây ra nguy cơ ô nhiễm vùng khác thì công nghệ này giữ lại, xử lý tại chỗ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, công nghệ mới này còn thân thiện với môi trường ở góc độ có thể tận dụng tro bay, xỉ than sản sinh ra nhiều từ nhà máy nhiệt điện làm chất kết dính, vừa không gây ô nhiễm lại hiệu quả. Do đó, triển vọng áp dụng sâu rộng ở Việt Nam là rất lớn./.