Kể từ độ tuổi 25, da mặt lão hóa, bắt đầu xuất hiện trên bề mặt da các đường nhăn, nếp nhăn. Có nhiều nguyên nhân gây lão hoá da. Có một số nguyên nhân chúng ta không thể tránh và thay đổi được. Tuy nhiên số khác thì có thể kiểm soát bằng các biện pháp ngăn ngừa. Hiểu đúng các nhân tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng lên cấu trúc và chức năng của da có thể giúp chúng ta lựa chọn phương pháp điều trị và ngăn ngừa thích hợp.

Tìm hiểu về da mặt lão hóa

Da là một bộ phận quan trọng của cơ thể chiếm diện tích bề mặt rất lớn. Da bài tiết mồ hôi, bao bọc, bảo vệ cơ thể khỏi tác động của môi trường bên ngoài, điều hòa, cảm nhận nhiệt độ, tổng hợp vitamin B và D. Da người có cấu tạo gồm ba lớp: Lớp biểu bì, lớp bì và lớp mỡ và được chia làm 5 loại cơ bản: da nhờn, da khô, da hỗn hợp, da nhạy cảm và da bị lão hóa. Da bị lão hóa cần được chăm sóc nhẹ nhàng và kiên trì để cải thiện từng ngày và làm chậm quá trình lão hóa.



➥ Lớp biểu bì: dày nhất ở lòng bàn tay khoảng 1,5 mm và mỏng nhất ở mi mắt 0,1 mm, gồm tầng sừng và tầng tế bào sống. Ở tầng sừng, các tế bào chết xếp khít nhau, dễ bong tróc và dần dần tách khỏi da. Tầng sừng ngăn chặn sự bay hơi nước của da và ngăn các chất từ bên ngoài xâm nhập vào da. Tế bào sừng lan rộng, đồng thời tạo các khoảng trống giữa các tế bào, khi đó thành phần của mỹ phẩm sẽ được hấp thu qua các khoảng trống này. Tầng tế bào sống gồm các tế bào có khả năng phân chia tạo thành tế bào mới, chứa các hạt sắc tố tạo nên màu da. Da được tái tạo liên tục với cấu trúc đồng nhất và màu sắc ổn định. Sau khi da bị thương hay cháy nắng, da sẽ trở về màu sắc ban đầu vì quá trình trao đổi tế bào đều giống nhau. Khi da khỏe, quá trình này sẽ lặp lại một cách tự nhiên.

➥ Lớp bì được cấu tạo từ các sợi mô liên kết bền chặt, có tuyến nhờn, tuyến mồ hôi, lông và bao lông, cơ co chân lông, mạch máu. Tuyến nhờn tiết chất nhờn, tạo thành một lớp chất nhờn bao phủ bề mặt da, giúp da mềm mịn và không bị thầm nước. Tuyến mồ hôi tiết mồ hôi (chất thải được lọc từ máu ra), giúp điều hòa thân nhiệt cơ thể và có tính kháng khuẩn cao.

➥ Lớp mỡ dưới da gồm mô mỡ, dây thần kinh, mạch máu. Mô mỡ hình thành từ các tế bào mỡ có độ đàn hồi rất tốt. Tế bào mỡ bảo vệ và ngăn chặn sự thay đổi thân nhiệt, bảo vệ da khỏi những tác động cơ học, dự trữ năng lượng. Dây thần kinh giúp da nhận biết những kích thích từ môi trường. Mạch máu giúp da trao đổi chất. Càng lớn tuổi, lớp tế bào này càng mỏng, không thực hiện tốt vai trò của nó.



Các dấu hiệu da mặt lão hóa

Bắt đầu từ 20 tuổi, da có những dấu hiệu lão hóa nhưng thường khó nhận biết để phòng ngừa. Từ độ tuổi 30 đến 40, dấu hiệu lão hóa da biểu hiện rõ hơn, chủ yếu là KHÔ, NHĂN, CHẢY XỆ và NÁM.
  • Da mỏng hơn, khô, tế bào sừng tích tụ trên bề mặt da, da sần, bong tróc, thô mốc, đặc biệt lộ rõ khi trang điểm bằng phấn do quá trình tái tạo tế bào trì trệ. Mao mạch vỡ dưới da.
  • Sắc tố da không đồng đều, có những mảng đổi màu, nám, tàn nhang, da có ánh vàng, xanh, xám.
  • Nếp nhăn nông xuất hiện khi da thiếu độ ẩm, đặc biệt phát triển nhanh ở người da khô, da nhạy cảm, dùng sữa rửa mặt quá nhiều, không dùng dưỡng da, sống trong thời tiết hanh khô lạnh hoặc ngồi trong phòng máy lạnh hoặc dùng lò sưởi quá nhiều.
  • Nếp nhăn chằng chéo xuất hiện ở lứa tuổi ngoài 30 nếu cơ thể tích tụ quá nhiều glucose. Glucose ứ đọng kết dính các sợi collagen và elastin, làm chúng đứt gãy, tạo các đường rãnh hoặc các nếp nhăn chằng chéo trên bề mặt da.
  • Nếp nhăn sâu, nếp hằn thường xuất hiện ở trán, hai đầu lông mày, 2 bên khóe miệng và cổ. Nếp nhăn sâu có thể xuất hiện từ rất sớm (ngoài 20 tuổi) do trọng lực, những chuyển động lặp lại khi biểu lộ cảm xúc và do áp lực thường xuyên do tư thế nằm ngủ.
  • Da chảy xệ, lỏng lẻo, giảm săn chắc, tích nước dưới da. Lớp mỡ đệm dưới da giảm sút, da mất độ căng, mịn. Các khối cơ nâng đỡ trở nên yếu, mỏng không đủ khả năng giữ các túi mỡ và tích nước trong da.



Nguyên nhân khiến da mặt lão hóa

Da và biểu bì tế bào phát triển chậm theo tuổi tác khiến lớp bì mỏng đi và cung cấp máu cho nó cũng giảm sút. Càng lớn tuổi, sợi collagen và sợi elastin trở nên mỏng và yếu đi, lớp mô liên kết xẹp xuống và bị phá huỷ dần dần tạo thành nếp nhăn và nếp gấp, cơ chảy sệ, lỏng lẻo kém săn chắc, da mất dần khả năng đàn hồi. Da mỏng, dễ bị tổn thương, dễ chảy máu và mất nhiều thời gian hơn để tự phục hồi. Sự giảm sút hoạt động của tuyến mồ hôi và tuyến nhờn khiến da ngày càng khô, trao đổi chất và đào thải độc tố qua da không tốt.

Hoạt động của các enzyme như protiase, collagenase… trong da suy giảm, quá trình phân đôi tế bào chậm đi đồng thời quá trình sừng hoá da do tác động của môi trường và ánh nắng trở nên rõ rệt hơn, biểu hiện bằng các vùng da sẫm màu thành mảng. Khi lão hóa da sớm, gien trong mỗi tế bào ngày càng bị hư hại nhiều và khó có khả năng phục hồi.

Các tác nhân thúc đẩy quá trình da mặt lão hóa

Những yếu tố khách quan và chủ quan có thể khiến các chức năng da, sự trao đổi chất và tái tạo da không được thực hiện tốt từ khi bạn mới ngoài 20 tuổi. Trạng thái này kéo dài làm mất khả năng tái sinh tế bào và gây lão hóa da khó hồi phục.
  • Nội tiết tố nữ Estrogen thiếu hụt, suy giảm ảnh hưởng quá trình dinh dưỡng và tái tạo da tự nhiên.
  • Phân tử có gốc tự do được phát sinh từ các phản ứng hóa học trong cơ thể là những phân tử gây tổn hại nghiêm trọng tế bào. Môi trường ô nhiễm, thuốc lá và hóa chất, phụ gia thực phẩm, khói bụi, vi khuẩn làm phát sinh các phân tử có gốc tự do, thúc đẩy quá trình lão hóa da.
  • Môi trường: mức độ tiếp xúc của da bạn với ánh nắng mặt trời, nhiệt độ, môi trường ô nhiễm đóng vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình lão hóa da. Da khô, da nhạy cảm dễ bị ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố môi trường và lão hóa nhanh hơn da nhờn và da bình thường.
  • Bức xạ mặt trời: ánh nắng mặt trời gây ra tổn thương da nhiều nhất, làm phát triển nhanh chóng nếp nhăn, đốm nâu, đồi mồi và nguy cơ ung thư da. Lớp bì (collagen và elastin) dễ bị phá hủy do tia tử ngoại và da bị lão hóa rất nhanh.
  • Bệnh tật di truyền làm sức khỏe nói chung và sức khỏe làn da suy giảm.
  • Không khí khô, lạnh. Khi không được chăm sóc, bảo vệ tốt trong môi trường khô và lạnh, da bị khô và lão hóa nhanh hơn.
  • Chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học làm giảm tuần hoàn máu dưới da và rối loạn khả năng tự tái tạo và phục hồi của da, da không được nuôi dưỡng tốt để thực hiện các chức năng của mình.
  • Dùng sản phẩm tẩy rửa và mỹ phẩm trang điểm và mỹ phẩm chăm sóc da không tốt khiến da bị kiềm hóa, khô, mỏng, yếu. Các hóa chất từ dầu mỏ, hương liệu, chất bảo quản, cồn… trong mỹ phẩm làm tích tụ độc tố trong da.
  • Chế độ chăm sóc da hàng ngày không phù hợp khiến da thiếu dưỡng chất, không khỏe mạnh, trở nên khô sần, thô nám theo tuổi tác.