Người cao tuổi thường phải đối mặt với rất nhiều loại bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe. Trong đó, căn bệnh loãng xương là một trong các căn bệnh đáng được quan tâm, chỉ sau các vấn đề về tim mạch ở người cao tuổi.

Loãng xương là tiến trình tự nhiên của cơ thể, âm thầm nhưng nguy hiểm trong quá trình lão hóa, đặc trưng bởi sự mất chất xương làm cho xương trở nên dòn và dễ gãy. Đây là căn bệnh phổ biến và gần như không thể tránh khỏi ở người già.

Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương còn gọi là thưa xương, xốp xương là tình trạng giảm khối lượng xương, giảm tỷ trọng chất khoáng trong xương, thường đi kèm với gãy xương, đặc biệt là lún các đốt sống. Tuổi cao cùng với việc giảm nội tiết tố, ăn uống thiếu chất là các nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương.


Loãng xương là một trong số những biểu hiện điển hình của quá trình lão hóa cơ thể, thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh. Loãng xương làm xương giòn, mỏng, dễ bị gãy, nứt, rạn xương, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây ra loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương là hậu quả của nhiều nguyên nhân gây ra như: thiếu calci, phospho, thiếu vitamin D và các khoáng chất khác cần thiết cho xương; các rối loạn nội tiết, giảm lượng hormone estrogen, tăng hormone cận giáp ; bệnh thận nặng thải mất quá nhiều canxi; hậu quả của việc dùng thuốc corticoid kéo dài… Loãng xương ở người già và phụ nữ sau mãn kinh chiếm khoảng 90% các trường hợp.

Nguyên nhân chính gây loãng xương ở người cao tuổi là do hấp thụ canxi kém và quá trình hủy xương hoạt động mạnh hơn quá trình tạo xương.

Phụ nữ đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, hoạt động của buồng trứng suy giảm gây thiếu hụt nội tiết tố estrogen, làm cho các tế bào hủy xương gia tăng hoạt tính, trong khi chức năng điều hòa và hấp thụ canxi bị suy giảm, khối lượng xương sẽ mất dần theo năm tháng kể từ khi mãn kinh (mỗi năm mất khoảng từ 2 - 4%).

Tình trạng thiếu sản xương bệnh lý do sự lão hóa của các tạo cốt bào ở người già và phụ nữ sau mãn kinh được phân loại thành loãng xương nguyên phát. Trong đó, loãng xương sau mãn kinh gọi là loãng xương typ I, loãng xương typ II là loãng xương tuổi già.

Loãng xương typ I xuất hiện trong khoảng thời gian 15-20 năm sau mãn kinh và thường gây ra gãy xương ở cột sống, đầu dưới xương quay, đầu dưới xương chày. Các yếu tố liên quan chặt chẽ đến mãn kinh là nguyên nhân gây loãng xương typ I gồm: sự thiếu hụt estrogen, sự giảm tiết hormon cận giáp trạng, tăng bài tiết canxi qua đường niệu, suy giảm hoạt động của men 25-OH, vitamin D1 anpha hydroxylase làm giảm sự hấp thu canxi ở ruột.


Tỷ lệ loãng xương typ II ở nữ gấp đôi nam và hay gặp gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống. Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố là giảm hấp thu canxi và giảm chức năng của các tế bào tạo xương, dẫn tới cường tuyến cận giáp trạng thứ phát. Ngoài ra, người ta còn thấy có một số yếu tố tăng nguy cơ bị loãng xương là: yếu tố di truyền, không hay ít hoạt động thân thể, người tạng gầy, người không sinh đẻ, người tắt kinh sớm, người châu Á, người da trắng.

Biểu hiện của bệnh loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương là căn bệnh mạn tính, việc giảm mật độ xương có diễn biến âm thầm trong nhiều tháng, nhiều năm. Tới khi bệnh xuất hiện các dấu hiệu biểu hiện rõ ràng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã mất đi khoảng 30% lượng calci trong xương.

Các triệu chứng như:

  1. Đau nhức xương:

Đau nhức dọc các xương dài, đặc biệt là xương chân, tay, đau mỏi cơ bắp.

Đau nhức như châm chích toàn thân.

Đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết.

  1. Đau mỏi cột sống, đau như thắt ngang cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế. Lúc nằm yên, người bệnh thường thấy dễ chịu hơn.
  2. Gù lưng, giảm chiều cao (do các đốt sống bị lún, xẹp hoặc bị gãy lún).
  3. Các triệu chứng toàn thân thường gặp là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ), thường ra mồ hôi..
  4. Vỏ xương bị mỏng đi



Các đốt sống bị biến dạng: lún xẹp hoặc gãy lún.

Lúc này trên phim X quang thường có thể thấy rõ hiện tượng loãng xương như: Xương tăng thấu quang.

Phát hiện bệnh loãng xương
Người cao tuổi nên đi khám bệnh về xương khớp cũng như các bệnh khác định kỳ ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện để được làm các xét nghiệm về cận lâm sàng đánh giá mật độ của xương và tình trạng của xương. Hiện nay chưa có phương pháp đo lường trực tiếp lực của xương nên chỉ đo lường gián tiếp. Một trong những phương pháp đó là đo mật độ chất khoáng trong xương (bone mineral density) bằng kỹ thuật DXA hay còn gọi là đo mật độ xương, chụp X quang cột sống, xương tay chân... Ngoài ra, những người kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40kg, giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, thiếu hormone sinh dục (nữ giới là estrogen và nam giới là androgen), người nghiện rượu, sử dụng corticoides kéo dài, nghiện thuốc lá... cũng nên kiểm tra mật độ của xương.

Khi đã chẩn đoán bị bệnh loãng xương thì việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị loãng xương là người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị. Các nghiên cứu cho thấy rằng, chỉ cần quên uống thuốc trong vòng một tuần lễ thì hiệu quả điều trị đã giảm xuống đến 64%. Còn uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu thì cần phải các bác sĩ chuyên khoa chỉ định cụ thể.


Khi đã bị loãng xương phải hết sức cẩn thận khi đi lại, hoạt động để tránh ngã, vấp, khuỵu, … dễ làm xương bị gãy, vỡ, rạn nứt.

Phòng bệnh loãng xương cho người cao tuổi
Để phòng bệnh loãng xương, việc đầu tiên cần làm là đảm bảo một chế độ ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, bổ sung các thực phẩm có chứa canxi, magie, vitamin D,K …như sữa, trứng, các loại rau, củ, quả, tôm, cá, cua, ốc…

Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

Tăng cường vận động, tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập nhẹ nhàng, hợp lý như đi bộ, dưỡng sinh, … tăng độ dẻo dai xương khớp.

Người già không nên làm các động tác mạnh, quá sức, tránh các tổn thương xương.

Phụ nữ nên bổ sung nội tiết tố estrogen để phòng chống loãng xương sau mãn kinh.

Nếu cần sử dụng lâu dài các thuốc chống co giật như Phenyltoin, Barbiturate..., bổ sung thêm vitamin D vì các thuốc này ảnh hưởng đến chuyển hoá của vitamin D.

Nếu cần sử dụng lâu dài Corticosteroid, bổ xung thêm calci, vitamin D và chất kích thích tạo xương vì Corticosteroid vừa ức chế trực tiếp sự tạo xương, vừa giảm hấp thu vitamin D, vừa tăng thải calci qua nước tiểu.

(Các chất bổ sung này nên được tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng)

Người cao tuổi nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm bệnh tình và điều trị kịp thời.

Nguồn: https://vuongkhopan.com/nhung-dieu-c...nguoi-cao-tuoi