Vừa mới đây, Sở TN-MT Hà Nội đã công khai danh sách 92 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng. Trong số này, có hàng loạt “đại gia” bất động sản như: Hải Phát, Geleximco, Thủ Đô, Văn Phú Invest…
Theo đó, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội vừa công bố danh sách các chủ đầu tư đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất, thế chấp dự án và nhà ở hình thành trong tương lai. Trong danh sách này có tới 92 dự án bất động sản đang được chủ đầu tư cầm cố tại ngân hàng. Đáng chú ý trong danh sách hàng loạt các đại gia trong ngành bất động sản cũng được đưa vào danh sách như: Hải Phát, Geleximco, Thủ Đô, Văn Phú Invest…

Xem thêm: Cách thức rao bán nhà đất hiệu quả


Hà Nội: 92 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng
Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) hiện đang thế chấp 59 căn nhà ở thấp tầng, công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Đầu tư Xây dựng Tổ hợp Thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Chủ đầu tư này cũng đang thế chấp tài sản với đất hình thành trong tương lai tại Phú Lãm, quận Hà Đông.
Hay mới đây, chủ đầu tư Gelexemco đã thế chấp quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức. Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Invest cũng đang thế chấp quyền sử dụng đất khu đất tại các dự án Khu đô thị thương mại An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Ngoài ra, một số dự án mở bán khác cũng đang được thế chấp tại ngân hàng như: Dự án chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh do Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ thương mại Hà Nội là chủ đầu tư; dự án tòa nhà hỗn hợp thương mại và nhà ở chung cư Tecco do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tecco làm chủ đầu tư; dự án The Garden Hill tại số 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư; dự án Eco Dream tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do Công ty TNHH MTV Eco Dream làm chủ đầu tư… cũng đang được thế chấp tại ngân hàng.
Theo các chuyên gia bất động sản, khách hàng sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro khi mua căn hộ trong dự án đang thế chấp tại ngân hàng. Trong trường hợp, nếu chủ đầu tư mang tiền đầu tư vào mục đích khác, rất có thể sẽ dẫn đến chậm tiến độ, chủ đầu tư bị vỡ nợ.
Mặc dù với những trường hợp này, dự án đã được Sở Xây dựng chấp thuận cho phép bán nhà hình thành trong tương lai, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra và người chịu thiệt thòi là khách hàng.
Trước đó, tại TP.HCM, Sở TN-MT thành phố đã công khai danh sách 28 dự án nhà ở thương mại đã bị chủ đầu tư thế chấp vay vốn tại ngân hàng.

Nguồn: https://muachungcu.org/ha-noi-92-du-...hap-ngan-hang/